Danh họa Nguyễn Phan Chánh | 1892-1984

Sống thọ và luôn được xem như người anh cả của giới văn nghệ Việt Nam hiện đại, Nguyễn Phan Chánh chính là hình mẫu của một nghệ sĩ đã sớm lựa chọn được hướng đi của mình, từ đó, qua những tác phẩm thấm đẫm hồn cốt dân tộc, đã có những đóng góp ấn tượng vào bộ "sưu tập chung" của nhân loại...

Tranh lua cua hoa si nguyen phan chanh

Tác phẩn tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh

Cần tiền nhưng không lụy... tiền

Theo nhìn nhận của những người thân trong gia đình danh họa Nguyễn Phan Chánh thì ông là người có khả năng kiếm tiền từ nhỏ. Mẹ ông từng kể với nhà văn Nguyệt Tú, con gái đầu của ông: "Cha mi có hiếu lắm. Ông nội mất từ hồi cha mi mới lên bảy. Mười hai tuổi, cha mi đã vẽ tranh Tết và lấy đất sét nặn con "tò he" cho bà mang đi chợ bán lấy tiền nuôi cả nhà".

Năm 1929, khi đang là sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Phan Chánh tham dự cuộc thi vẽ mẫu tem của Bưu chính Đông Dương và bức tranh ông vẽ một người nông dân quần xắn đầu gối đang lom khom cấy lúa đã giành giải Nhất cuộc thi. Tiền thưởng cuộc thi khá lớn: 90 đồng Đông Dương. Theo thời giá bấy giờ, với số tiền này, người ta có thể mua được hơn 3 tấn gạo.

Sau cuộc triển lãm ở Paris năm 1931, tranh lụa Nguyễn Phan Chánh đã gần như trở thành một thứ  "hàng hiệu" với giới sưu tập tranh phương Tây. Với một họa sĩ, tranh vẽ xong đã có người hỏi mua ngay (mà lại trả giá cao) hiển nhiên là một niềm vui, nếu không nói là đáng tự hào. Song với Nguyễn Phan Chánh, sự thể không phải lúc nào cũng vậy. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào bản lĩnh cứng cỏi, cốt cách thanh cao của ông.

Theo như nhà văn Nguyệt Tú kể lại thì ngay từ khi mới mười hai, mười ba tuổi, từng đã có lần Nguyễn Phan Chánh kiên quyết không bán một bức tranh chỉ bởi lý do: Ông muốn có một bức tranh treo Tết cho mẹ và các em vui. Sau này, khi đang là giáo viên Trường Bưởi, Nguyễn Phan Chánh cũng đã rắn rỏi cự tuyệt ông Tổng giám thị của trường (là người Pháp) khi ông này nằng nặc đòi nhà họa sĩ phải bán lại bức tranh "Hai chị em" cho ông ta. Vì tranh đã có người đăng ký mua nên để giữ chữ tín, Nguyễn Phan Chánh gợi ý ông Tổng giám thị mua bức tranh khác, song ông ta nhất mực không chịu, đòi nhà họa sĩ phải... vẽ lại bức tranh. Nguyễn Phan Chánh buộc phathể hiện thái độ: "Tôi là một họa sĩ chứ không phải một nhà nhiếp ảnh". Vì việc này mà Nguyễn Phan Chánh được cho... nghỉ dạy tại Trường Bưởi.

Sinh thời, mặc dù nhiều khách Tây liên tục tìm đến gạ mua tranh của Nguyễn Phan Chánh với giá cao, song ông chỉ dành những bức tranh này cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mặc dù tiền họ trả cho mỗi bức tranh rất rẻ, chỉ gấp ba lần tiền khung kính...

danh họa Phan Chánh
Danh họa Phan Chánh, có lẽ đây là bức ảnh chân thực nhất về ông

Tranh lụa và sự kỳ công

Thời gian học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, như các sinh viên khác, Nguyễn Phan Chánh cũng tham gia vẽ tranh sơn dầu. Hiệu trưởng Victor Tardieu vốn không đánh giá cao khả năng vẽ sơn dầu của Nguyễn Phan Chánh, song trước tài dùng bút lông viết chữ Nho của ông cũng đã khuyên ông nên thử sức ở thể loại tranh lụa. Và sự thuần thục, điêu luyện của người học trò trong tranh lụa đã khiến Tardien thực sự bị chinh phục. 

Bạn yêu nghệ thuật khi đứng trước những kiệt tác tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, thường có cảm giác nhẹ nhõm trước sự mát, mịn của chất liệu và sự trang nhã của màu sắc. Không mấy ai biết, để thăng hoa cùng tác phẩm, nhà danh họa đã phải xây dựng bố cục hết sức kỳ công.

Trong hồi ký, Nguyễn Phan Chánh đã kể lại tỉ mỉ quá trình ông thực hiện những bức tranh nổi tiếng của mình. Đọc mà thấy... ái ngại cho nghề bởi riêng việc tạo bố cục cho bức tranh cũng rất lằng nhằng, nhiêu khê. Xin trích một đoạn nhỏ xung quanh việc ông thực hiện bức "Chơi ô ăn quan" (1931): "Một lần, thấy các em ngồi đánh ô ăn quan, tôi tò mò đứng xem và lấy phác thảo. Tôi vào nhờ bà mẹ nói với cô con gái nho nhỏ xinh xinh ngồi cho tôi làm mẫu. Bố trí các cô này ngồi chơi là vấn đề bố cục. Ít nhất phải có bốn người nhưng bốn người này hai phe. Tôi đặt một cô bé khoảng chừng hơn mười tuổi ngồi một phía, còn ba cô ngồi về phía bên kia. Bố trí lệch như thế mới phải, không để mỗi bên hai cô thành ra bố cục rời rạc. Làm thế nào để cho bốn cô tập trung vào ô quan khi chơi... Tôi cho cô nhỏ nhất đánh đầu tiên...".

Với bức "Em bé cho chim ăn" (1931), Nguyễn Phan Chánh cũng rất dụng công trong bố cục. Ông cho hay: "Phần vẽ con chim thì ít thôi còn để phần già để vẽ chuồng. Mặc dù có khuất một bên nhưng trông qua là người ta biết con chim họa mi ở trong chuồng. Cô bé cho chim ăn, áo trắng quần thâm, tuy là ở về đằng trước nhưng rõ ràng khi xem bức tranh này, trước hết người ta sẽ để ý đến con chim nhảy trong chuồng, sau mới đến cô bé". Theo một nguồn tin thì sinh thời, danh họa Nguyễn Phan Chánh rất mê nghe tiếng họa mi. Ông làm nhiều thơ về họa mi và có một cuốn sổ riêng ghi những tiếng hót họa mi...

Nhà văn Nguyệt Tú đã kể lại sự kỳ công của cha mình khi vẽ bức tranh "Trốn tìm" (1939): "Hồi ấy, tôi đang học Trường Đồng Khánh - Huế. Mỗi lần có dịp về thăm nhà, cha tôi thường bảo tôi làm mẫu. Để tạo được những nét gấp bên lườn áo, mặc dù rất mỏi, tôi vẫn ngồi yên cho cha vẽ... Tôi đã phải ngồi đến mỏi tê hai chân. Thỉnh thoảng cha tôi lại động viên: Con cố gắng chút nữa thôi để cha vẽ nốt những nếp của tà áo trắng con ạ. Tôi ngoan ngoãn làm theo ý cha. Nhìn trên bức phác thảo chì than, chỉ thấy những nét vẽ chi chít nhưng lúc đã hoàn thành thì nét vẽ trông thật tài tình... Chúng tôi sững sờ nhìn bức tranh, không nhận ra hai chị em...".

Theo nhà văn Nguyệt Tú, cách vẽ của cha bà rất công phu. Ông phải quét màu nhiều lớp, sau mỗi lần vẽ màu lại phải "rửa" lại bằng nước, cứ như vậy lặp đi lặp lại nhiều lần. "Vẽ trên lụa không xóa được như vẽ sơn dầu. Chị em chúng tôi không ai theo nghề của cha vì thấy vất vả quá... Cô cháu gái gọi cha tôi là bác ruột đi theo nghề họa sĩ, nhưng chỉ thích vẽ sơn dầu. Cô phàn nàn: "Bác bắt cháu học vẽ lụa chẳng khác gì bảo cô bé tập violon đi học kéo nhị".

Thói quen độc đáo

Danh họa Nguyễn Phan Chánh có một thói quen đặc biệt, rất độc đáo so với các họa sĩ khác, ấy là, mặc dù đã hoàn tất một bức tranh, ông vẫn chưa cảm thấy "yên tâm" nếu như không ký gửi kèm đó vài dòng... thơ (bằng chữ Hán) thổ lộ tâm tư. Các bài thơ có thể nói lên ý tưởng của bức họa, nhưng cũng có khi không liên quan gì đến nội dung tranh, chỉ là tâm sự độc lập của tác giả về một vấn đề mới nảy sinh. Có thể nói, thơ trên tranh là một nét riêng của tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Nhờ nó mà vô tình, việc sao chép tranh của Nguyễn Phan Chánh đã được hạn chế nhiều (bởi nếu chỉ cần ai đó quan tâm đến vấn đề này sẽ dễ dàng nhận ra những dòng thơ chữ Hán không phải là nét chữ của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh).

Tất nhiên, để làm được điều đó, bản thân trong tâm hồn nhà danh họa phải dồi dào nguồn cảm hứng thi ca. Nguyễn Phan Chánh từng có thơ được đưa vào tuyển tập "Thơ Hà Tĩnh thế kỷ XX". Sinh thời, ông từng kết bạn với nhiều nhà thơ và không ít lần được họ quý mến viết thơ tặng. Đây là mấy câu nhà thơ Huy Cận viết mừng bậc đàn anh nhân sinh nhật lần thứ 80: "Bác tám mươi tuổi rồi ư?/ Mà sao Trăng tỏ, Trăng lu vẫn tình/ Hồn xuân mình biết với mình/ Mầu quê hương đậm dáng hình quê hương...". Tác giả "Lửa thiêng" đã nói đúng: Với các nghệ sĩ, sức trẻ trong tâm hồn đâu có nệ vào tuổi tác, nhất là khi đó lại là người mà ở vào tuổi ngoại bát tuần vẫn hứng thú sáng tác ca ngợi vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ qua các bức "Tiên Dung tắm" và "Kiều tắm"..

nguyễn phan chánh tự họa

Nguyễn Phan Chánh tự họa

Danh họa thường xuyên điểm zero môn hình họa

 

Hay bị điểm kém môn hình họa – bộ môn quan trọng nhất của hội họa – mà lại vẫn thành danh họa. nghe kỳ lạ đấy, nhưng không phải không có lý.

Danh họa Nguyễn Phan Chánh đã ngoài ba mươi, vợ con đề huề ở quê mới bắt đầu lặn lội từ Hà Tĩnh ra học. “già” tuổi nhất lớp. ở trong lớp toàn con quan tây học mặc complet trắng đi giày tây, chỉ riêng ông vẫn giữ cái chất quê mùa một cục như vậy.

Và có một điều đặc biệt là đi đâu ông cũng kè kè cắp cái ô bên mình. Vẽ hình họa-ông dựng nó bên cạnh giá vẽ.

Đến Tardieu cũng thấy khó chịu về anh chàng sinh viên ngồi trong lớp mà vẫn giữ khư khư cái ô bên cạnh. rất nhiều lần, ông rời bục giảng, xuống “tịch thu” ô của Phan Chánh, đem treo ở chân giá bày mẫu vật. ông học trò lại đi theo sau lấy nó về chỗ cũ. Thầy và trò cứ tái diễn hành động ấy cho đến khi Tardieu phải đầu hàng.

Dù hơi “bướng” và gàn, lại thường xuyên đội sổ. cho đến năm thứ 2, danh họa vẫn thường xuyên ăn điểm không môn hình họa trong khi các bạn cùng khóa thường được điểm rất cao.

Vì là con nhà nho, quen với bút lông hơn lối học của châu Âu, ông khó tiếp thu nền kiến thức của hội họa châu Âu. Ông vẽ sơn dầu nói chung là xấu khiến các giáo sư chán nản vô cùng.

Nhưng thầy Victor Tardieu lại nhìn thấy một tài năng ẩn giấu bên trong ông học trò quê mùa “vẽ xấu” này.

 

 

chơi ô quan của hs Nguyễn Phan Chánh

chơi ô quan của hs Nguyễn Phan Chánh

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh có cách làm cũ lụa bằng nước chè. “Khi vẽ, ông rửa lụa nhiều lần để màu phần vẽ mới hòa với màu tranh cũ… Thường ông phải mất hàng tháng trời mới hoàn thành một tác phẩm tranh lụa. Nguyễn Phan Chánh thường vẽ hình họa lên trên tờ giấy rồi áp vào sau tấm lụa để in nét vẽ lên, vì thế trên tranh không có nét chì. Màu được phủ lên hình họa, để khô. Sau đó, ông rửa nhẹ nhàng cho hết lớp gợn của bột màu, để khô rồi lại tiếp tục quết lên lớp màu nữa. Để khô, rồi lại cọ đi, cứ làm như thế cho đến khi có được màu ưng ý… Lụa sẽ thấm từ mặt phải sang mặt trái tranh, nên màu sắc hai mặt tranh hoàn toàn giống nhau. Đặc biệt là màu từng mảng trong tranh lụa Nguyễn Phan Chánh không bao giờ bị loang, lẫn với màu của mảng khác. Điều đó minh chứng rằng, người họa sĩ không chỉ có tài năng mà còn rất kiên trì, bền bỉ"

ra đồng của hs Nguyễn Phan Chánh

Bức ra đồng của hs Nguyễn Phan Chánh

Trở lại cậu chuyên về hình họa và tiểm năng ẩn số của danh họa Phan Chánh,

Thây giáo Tardieu đã đúng khi nhận định về ông :

Trong một dịp sang Vân Nam, Tardieu bắt gặp những bức tranh lụa đời Đường, Tống phác họa phong cảnh. Ông chợt lóe lên một ý nghĩ: Biết đâu, Phan Chánh hợp với chất liệu lụa!

Ông liền mua về một sấp lụa cùng với những bức tranh thời Đường và bảo: “con vẽ lụa thử xem”. Quả nhiên, Phan Chánh đã làm các thầy kinh ngạc. ông say sưa mày mò với chất liệu lụa và còn sáng tạo ra phương pháp rửa lụa mà trở thành một đặc sản riêng của tranh lụa Việt Nam.

Tranh ông thường về đề tài nông thôn với tông màu nâu trầm. không tả nhiều chi tiết mà tập trung khai thác các mảng phẳng với tạo hình mềm mại nhẹ nhàng. nhiều tác phẩm quý lên sàn đấu giá quốc tế và một số bức tranh được liệt vào bảo vật quốc gia.

Từ Nguyễn Phan Chánh ta có thể nhận ra rằng, để thăng hoa trong nghệ thuật, nghệ sĩ phải được là chính mình. Và chỉ khi được là chính mình, tài năng thật sự mới bắt đầu được tỏa sáng.

Và cũng phải biết ơn con mắt tinh tường của người thầy Victor Tardieu-người đã nhận định về các học trò An Nam của mình “hay hơn người Pháp”- mà dưới thời ông, các học trò của ông nở rộ tài năng với các tên tuổi đã làm nên nền lịch sử mỹ thuật của chúng ta sau này.

 

 

Bữa cơm mùa vụ của hs Nguyễn Phan Chánh

Bữa cơm mùa vụ của hs Nguyễn Phan Chánh

Cô và cháu của hs Nguyễn Phan Chánh

Cô và cháu của hs Nguyễn Phan Chánh

Cập nhật giá tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh năm 2021

Tối 24.5.21 (giờ Việt Nam), phiên đấu giá của nhà Christie’s Hồng Kông đã diễn ra và gõ búa bức Les Teinturières (Thợ nhuộm) của danh họa Nguyễn Phan Chánh
giá hơn 563.000 USD (khoảng 12,9 tỉ đồng)

 bức Les Teinturières (Thợ nhuộm) của danh họa Nguyễn Phan Chánh

bức Les Teinturières (Thợ nhuộm) của danh họa Nguyễn Phan Chánh
Tác phẩm là một bức tranh quê giàu hoài niệm được họa sĩ Nguyễn Phan Chánh thực hiện vào năm 1931, khắc họa nét đời sống xưa cũ của một không gian làng bình yên với 3 người phụ nữ cạnh nhau  

 

Hotline: (84) 913 323.977
Chat Facebook
Gọi điện ngay